Lupus ban đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

0
745

Lupus ban đỏ là một căn bệnh tự miễn nguy hiểm. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng và tiên lượng xấu. Thậm chí Lupus có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu bạn còn chưa thực sự hiểu rõ về bệnh lý này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Cungreview.com.

1. Nguyên nhân của bệnh Lupus ban đỏ 

Thực ra cho đến hiện tại, người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh này. Có thể nói, Lupus ban đỏ được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố. Những yếu tố quan trọng được kể đến như: 

Di truyền 

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 20 lần người bình thường nếu trong gia đình có người nhiễm lupus.

Môi trường

Tiếp xúc với môi trường độc hại trong một khoảng thời gian dài cũng là con đường nhanh nhất dẫn đến ban đỏ.

Nếu có thể, hãy tránh xa với hóa chất, nơi dễ nhiễm khuẩn, …

Nội tiết

Nội tiết tố đột ngột thay đổi cũng khiến cho cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn. Vậy nên, bệnh này chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Con số thống kê cho thấy đối tượng này nhiều gấp 10 lần nam giới.

Tuy nhiên, bệnh này sẽ giảm rõ rệt sau khi phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh.

2. Các triệu chứng của Lupus ban đỏ 

Da

Dấu hiệu trên da dễ phát hiện nhất. Hầu hết các bệnh nhân đều tự nhận thấy những nốt ban đỏ trên cơ thể mình. Một trong những điểm đặc trưng là những nốt mẩn ngứa có hình dạng cánh bướm và màu hồng.

Những tổn thương này đa số xuất hiện ở các vùng da hở như bàn tay, chân, cổ, … Vậy nên nó cực kì nhạy cảm với nắng.

Ngoài ra, những vết Lupus ban đỏ thường có dạng bọng nước và rất đau dát. Một số tổn thương có trong miệng hoặc hầu họng tuy không đau nhưng dễ lở loét.

Lupus ban đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tim

Bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực, khó thở giống viêm cơ tim, màng tim. Đôi khi bệnh đã diễn tiến nặng, gây suy tim.

Phổi

Triệu chứng của viêm phổi, màng phổi cũng hay gặp và có thể suy hô hấp.

Khớp

Viêm khớp là một biểu hiện rất hay gặp, làm cho bệnh nhân khó vận động và đi lại.

Máu

Đa số người bệnh đều có thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, niêm nhạt, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức.

Xét nghiệm huyết đồ thấy có thể giảm cả ba dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Thận

Viêm thận do lupus là một chẩn đoán thường gặp trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Người bệnh đến khám có thể do tiểu đục, tiểu máu, phù toàn thân, tăng huyết áp.

Xét nghiệm nước tiểu thấy bất thường và đôi khi có thể cần xác chẩn bằng sinh thiết thận.

Tâm thần kinh

Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ. Đôi khi có đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân.

Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao và kéo dài.

3. Cách điều trị Lupus ban đỏ 

Bệnh này trên thực tế không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Song có thể kiểm soát được bệnh nếu điều trị đúng cách.

Trong đợt cấp của bệnh, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, đồng thời vẫn cần có một chế độ vận động hợp lý nhằm tránh tình trạng teo cơ, cứng khớp. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống gồm có:

– Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Nimesulide,…

Các thuốc này có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp, tuy nhiên lại có tác dụng phụ là dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng nên phải uống khi ăn no.

– Thuốc corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh hơn. Song cũng có nhiều tác dụng phụ hơn nhóm thuốc trên. Thuốc chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nặng, đã có tổn thương nội tạng. 

– Các loại thuốc ức chế miễn dịch như Cyclophosphamide, Azathioprine, Cyclosporine,… có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân không đáp ứng với Corticosteroid đơn thuần.

Hy vọng những thông tin trên bài về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh lupus ban đỏ hữu ích với người đọc.