Thoái hóa đốt sống cổ là một trong những căn bệnh về xương cột sống phổ biến nhất hiện nay. Bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Cùng Cungreview tìm hiểu rõ hơn căn bệnh này qua bài viết sau.
1. Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ
Lão hóa sinh học
Là nguyên nhân chính gây ra thoái hóa đốt sống cổ. Khi bước qua tuổi 30, đĩa đệm của con người sẽ mất dần tính thẩm thấu, khả năng chịu áp lực cũng kém dần, tế bào sụn giảm chất lượng và không thể tự tái tạo.
Yếu tố nghề nghiệp
Chọn nghề là chọn bệnh. Đặc thù công việc của một số người như thợ cắt tóc, nha sĩ, thợ sơn trần nhà, công nhân may, công nhân bốc vác… phải cúi đầu hoặc bê vác vật nặng trên vai khiến cột sống cổ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngồi sai tư thế
Những thói quen xấu có thể gây sang chấn cổ bao gồm ngồi gập cổ, gối quá cao hoặc quá thấp, kẹp điện thoại vào cổ và tai để nghe, ngủ gục trên bàn…
Do chấn thương
Các yếu tố chấn thương cấp và vi chấn thương có thể khiến cột sống cổ bị yếu đi hoặc gây ảnh hưởng ngay lập tức. Không chỉ vậy, chúng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Do di truyền
Những yếu tố như hàm lượng collagen và khả năng tổng hợp PG của sụn được chứng minh có có tính chất di truyền. Vì vậy nếu ông bà, cha mẹ của bạn bị thoái hóa cột sống cổ thì nguy cơ bạn sẽ mắc căn bệnh này là rất cao.
Nguyên nhân khác
Chế độ ăn uống không khoa học, bệnh lý cột sống, bệnh lý tự miễn, stress… cũng là yếu tố thúc đẩy hiện tượng thoái hóa.
2. Triệu chứng của bệnh
Đa số người bệnh thoái hóa sống cổ không có triệu chứng bệnh rõ ràng. Nếu có, các triệu chứng bao gồm:
– Đau ở cổ, bả vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay;
– Cánh tay yếu dần;
– Tê và nhói ở cánh tay, bàn tay và ngón tay;
– Cứng cổ;
– Đau gáy.
Những triệu chứng ít gặp hơn của thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:
– Mất khả năng thăng bằng;
– Chóng mặt;
– Rối loạn chức năng bàng quang gây tiểu tiện không kiểm soát.
Một số các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu người bệnh có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Khám lâm sàng
– Kiểm tra tầm vận động của cột sống cổ
– Kiểm tra các phản xạ và sức cơ ở hai tay để phát hiện các tác động của thoái hóa lên các dây thần kinh hoặc tủy sống.
Chỉ định các xét nghiệm
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể cung cấp thông tin chi tiết phục vụ cho chẩn đoán cũng như điều trị. Có thể thực hiện các phương pháp sau:
– X-quang cột sống cổ: X-quang có thể cho thấy những bất thường, chẳng hạn như gai xương, cầu xương là dấu hiệu trực tiếp của thoái hóa đốt sống cổ. X-quang cổ cũng có thể loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp và nghiêm trọng hơn đối với đau cổ và cứng khớp, chẳng hạn như khối u, nhiễm trùng hoặc gãy xương.
– Chụp CT. Chụp CT có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn, đặc biệt là các tổn thương xương ở mức độ rất nhỏ.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể giúp xác định chính xác các khu vực nơi dây thần kinh có thể bị chèn ép.
Hy vọng những thông tin trên bài về nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán của bệnh thoái hóa đốt sống cổ hữu ích với người đọc.