Cungreview.com– Huyết khối tĩnh mạch là tình trạng tắc nghẽn một tĩnh mạch do cục máu đông được vận chuyển trong dòng máu từ một nơi khác đến.
Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi cục máu đông được hình thành và làm tắc tĩnh mạch chi dưới hay tĩnh mạch chậu. Khi cục máu đông bị bóc tách ra khỏi thành mạch, nó có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, gây nguy hiểm cho sức khỏe
Yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch
- Tình trạng bất động: Các cơ chân hoạt động như hệ thống bơm để đẩy máu tĩnh mạch ở chi dưới trở về tim. Sự bất động của các cơ chân đưa đến tình trạng ứ máu tĩnh mạch, gây huyết khối làm viêm tắc tĩnh mạch. Tình trạng bất động thường xảy ra trong phẫu thuật, bệnh nhân nằm nghỉ trên giường kéo dài và không thay đổi tư thế trong một thời gian dài.
- Sự bất toàn hệ thống tĩnh mạch: Tĩnh mạch giãn, hệ thống van bất toàn là yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch huyết khối.
- Suy tim ứ huyết: Trong bệnh này, cung lượng tim bị giảm, dẫn đến giảm lượng máu từ tĩnh mạch chi dưới trở về tim.
- Chấn thương: Chấn thương trực tiếp ở chi dưới có thể dẫn đến sự hình thành cục máu đông và gây viêm tắc tĩnh mạch huyết khối.
- Tình trạng tăng đông máu: Bệnh lý ác tính, sử dụng oestrogen, hội chứng tăng độ nhớt của máu… có thể gây tình trạng tăng đông máu, làm tăng nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch huyết khối.
Nguy cơ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu
Ít vận động: Mọi lý do như bệnh tật, chấn thương, thói quen nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt, hành trình lâu dài trên máy bay, tàu hỏa và xe hơi… mà cơ thể không hoặc ít vận động, đều có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Bởi vì khi cơ thể không vận động, máu trong tĩnh mạch sẽ chảy chậm và làm tăng nguy cơ đông máu.
Tĩnh mạch bị tổn thương: Bệnh viêm mạch (vasculitis), hóa trị liệu, đụng dập do chấn thương gây tổn thương ở tĩnh mạch làm tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Ngược lại chính huyết khối tĩnh mạch sâu lại có thể làm tổn thương thành tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ bị thêm một huyết khối tĩnh mạch sâu khác trong mạch máu.
Do dùng thuốc điều trị là hormon sinh dục nữ: Các thuốc có chứa estrogen khi dùng để điều trị một số bệnh như ung thư, chữa chứng tiền mãn kinh có tác dụng phụ làm cho máu dễ đông hơn, do đó gia tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Do di truyền và mắc một số bệnh: Bệnh nhân bị ung thư, suy tim, mang thai, béo phì, trên 40 tuổi, di truyền từ cha mẹ sang con… là các yếu tố làm cho máu dễ đông, do đó tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Biện pháp phòng bệnh huyết khối tĩnh mạch
Bệnh nhân tắc tĩnh mạch do huyết khối thường đến khám vì đau và sưng một chân. Các triệu chứng thường không rõ ràng. Ép cơ cẳng chân thấy chân bị căng đau trên chỗ ép. Để chẩn đoán, cần làm siêu âm Doppler mạch máu. Kỹ thuật này là có thể cho thấy các cục máu đông trong lòng mạch và giảm dòng chảy trong tĩnh mạch. Biện pháp chụp tĩnh mạch cản quang cũng được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu. Tuy nhiên, thủ thuật này gây đau, có biến chứng.
Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp: tăng cường vận động, sau một ca phẫu thuật kéo dài, hay phụ nữ sau khi sinh đẻ, cần tránh bất động hoặc nằm lâu ngày; những người ít vận động, cần tăng cường vận động. Người có rối loạn về đông máu cần được dùng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phải đi trên tàu, xe, máy bay trong thời gian dài nên lưu ý tạo tư thế ngồi thoải mái, cứ khoảng nửa giờ cần co duỗi chân, thỉnh thoảng nên đi lại cho khí huyết lưu thông.