Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

0
685

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Nếu để lâu không có phương pháp điều trị đúng cách, bệnh này có thể biến chứng xơ gan, ung thư gan, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Cùng Cungreview.com tìm hiểu kĩ hơn về gan nhiễm mỡ qua bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gan nhiễm mỡ 

Nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn có những bệnh nhân mắc bệnh này mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu.

Khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Mặc dù vậy, chế độ ăn giàu chất béo cũng chưa hẳn là nguyên nhân của tình trạng này.

Ngoài rượu, còn một số nguyên nhân thường gặp khác như:

– Béo phì

– Mỡ máu cao

– Tiểu đường

– Gene di truyền

– Sút cân quá nhanh

– Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Aspirin, Steroids, Tamoxifen hay Tetracycline.

2. Dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, lượng mỡ trong gan chiếm từ 5-10% tổng trọng lượng lá gan. Đây được xem là giai đoạn nhẹ, lành tính, không nguy hiểm và cũng không có các biểu hiện gì. Người bệnh không có biểu hiện cụ thể, nếu chỉ khám lâm sàng sẽ rất khó để phát hiện ra.

Giai đoạn 2

Khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 – 20% tổng trọng lượng lá gan, bác sĩ xác định người bệnh đang ở giai đoạn hai của bệnh gan nhiễm mỡ.

Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện rõ hơn như chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.

Giai đoạn 3

Tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng của gan là biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 3. Bệnh nhân khi đi xét nghiệm sẽ thấy rõ độ lây lan các nhu mỡ tại gan tăng lên nhanh chóng và rõ rệt.

Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

Cùng với đó là các biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng…

Ngoài ra người bệnh mắc gan nhiễm mỡ có thể có các biểu hiện rối loạn nội tiết tố xảy ra ở cả nam và nữ. Một số ít trường hợp nam giới mắc bệnh này có thể phát triển tuyến vú, hoặc gặp các vấn đề về cương dương, teo tinh hoàn trong giai đoạn cuối. Nữ giới có thể tăng, giảm cân bất thường, không rõ lý do, hoặc tắc rong kinh, rối loạn kinh nguyệt…

3. Chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ

Lâm sàng

Gan nhiễm mỡ có thể phát hiện được thông qua thăm khám lâm sàng. Bạn nên kể với bác sĩ về các biểu hiện như bụng ấm ách hay chán ăn, cùng với đó là tiền sử về sử dụng rượu và các loại thuốc.

Xét nghiệm máu

Với xét nghiệm máu, chúng ta có thể đánh giá được sự thay đổi của men gan (men gan tăng). Đây không phải là phương pháp chẩn đoán xác định nhưng rất cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân gây tổn thương gan.

Siêu âm

Hình ảnh của gan nhiễm mỡ trên siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là “gan sáng”. Bên cạnh đó còn có một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ.

Sinh thiết

Bác sĩ sẽ gây tê cho người bệnh, sau đó sử dụng một kim sinh thiết để lấy ra mảnh tổ chức gan và đưa đi kiểm tra tế bào học. Đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của căn bệnh này.

4. Cách điều trị gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ hầu hết không phải là bệnh lý của gan mà chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Vì thế điều trị bệnh này chủ yếu là điều trị các nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh, cụ thể:

– Nếu bị dư cân – béo phì: áp dụng chế độ ăn hợp lý và chế độ tập luyện vận động để giảm cân.

– Đối với các bệnh lý gan có liên quan đến uống rượu: ngưng uống rượu.

– Ngưng ngay những thuốc có khả năng gây độc cho gan và thay thế bằng những thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Các bệnh rối loạn chuyển hóa (như tiểu đường…): khống chế lượng đường trong máu luôn ở mức độ bình thường.

– Viêm gan siêu vi: kiểm soát tình trạng viêm và những diễn tiến bất lợi dẫn đến xơ gan.

Hy vọng những thông tin trên bài về bệnh gan nhiễm mỡ hữu ích với người đọc.