Những điều cần biết về bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu

0
869

Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ nhất, cần phải hiểu được bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu do đâu, có biểu hiện gì? Hiểu được điều đó, hôm nay cungreview.com sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó nhé!

1.Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gì?

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là tên gọi tắt của Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một loại bệnh lý miễn dịch.

Bình thường khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi trùng, vi rút, ký sinh trùng…, tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất gọi là kháng thể để chống lại các vật lạ này. Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể mình là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó. Trong trường hợp này cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu . Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cơ thể sẽ dễ bị chảy máu với một tác động nhẹ.

2.Những biểu hiện của xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh thường có khởi phát từ từ kín đáo với sự xuất hiện của các nốt xuất huyết chấm đỏ hoặc bầm tím, hoặc xuất huyết do xây xước nhẹ trên da, không kèm theo sốt, thiếu máu, sưng hạch hoặc các biểu hiện toàn thân khác. Các nốt xuất huyết có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường là không có tính chất đối xứng ở hai chi. Các nốt hoặc mảng tụ máu có thể tự nhiên xuất hiện hoặc do va đập nhẹ, thường là ở chân tay, mặt. Những vết cào xước nhẹ ở cổ, thân mình, chân tay cũng gây ra những dải xuất huyết. Rất ít khi bệnh biểu hiện chảy máu nặng ngay từ đầu như chảy máu mũi, chân răng, xuất huyết tiêu hóa hay tiểu ra máu. Khoảng 70 – 80% các trường hợp tiểu cầu trở lại bình thường sau một vài tuần đến 3 tháng khi được điều trị, 20% trở thành mãn tính. Khi số lượng tiểu cầu giảm nặng cần có các biện pháp đề phòng chảy máu, đặc biệt là chảy máu ở phổi, não dễ gây tử vong.

3.Nguyên nhân gây xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu là một hội chứng gây ra bởi hai nguyên nhân chính gồm tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương.

Trong nhóm tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi có một số bệnh như: nhiễm khuẩn huyết, bệnh sốt xuất huyết dengue nặng gây giảm tiểu cầu hoặc các u máu lớn ở các vị trí khác nhau của cơ thể.

Bệnh làm giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương có thể là bệnh tủy xương gây giảm các mẫu tiểu cầu như bệnh suy tủy toàn bộ, suy một dòng mẫu tiểu cầu hay các bệnh ác tính ở tủy xương như ung thư di căn tủy, bạch cầu cấp… Khi đó giảm tiểu cầu là tình trạng thứ phát do các bệnh chính gây ra.

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý tự phá hủy tiểu cầu do chính hệ miễn dịch của người bệnh gây nên.

4.Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

Liệu trình điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trẻ em thường không cần điều trị. Ở người lớn, loại thuốc phổ biến được sử dụng là thuốc steroid. Nếu steroid không có tác dụng, các thuốc khác như globulin miễn dịch có thể được tiêm vào tĩnh mạch. Nếu những biện pháp này không hiệu quả lá lách có thể cần phải được cắt bỏ. Một số người trưởng thành có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị.

Trên đây là những điều bạn cần biết về xuất huyết giảm tiểu cầu, nếu bạn có 1 số biểu hiện như trên thì nhanh chóng đến bác sĩ khám sức khỏe để phòng bệnh nhé.Chúc bạn luôn khỏe mạnh!