Thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người 1 năm tại Việt Nam

0
1460

Theo phóng sự xã hội, trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người tại Việt Nam thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Đặc biệt thời gian gần đây đã có những trận lũ gây thiệt hại rất lớn về người và của ở nhiều địa phương.

Những năm gần đây, thiên tai xảy ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới không theo quy luật; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều loại hình thiên tai khác như nắng nóng, dông lốc, mưa đá đã xảy ra tại nhiều nơi trên phạm vi cả nước. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP.

Thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người 1 năm tại Việt Nam

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, với những thảm họa động đất và siêu bão diễn ra ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, hàng năm thiên tai gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP và làm trên 300 người chết và mất tích.

“Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xuất hiện những trận mưa lịch sử, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.356 tỷ đồng”, ông Sơn nói.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

Thực tế, khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người. Theo số liệu cungreview.com có được hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán. Chính phủ đã có chủ trương sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm nhưng công tác này đang còn rất hạn chế.

Phó trưởng Ban giảm thiểu rủi ro tăng cường chống chịu thiên tai, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam), bà Akiko Fujii cho biết: Việt Nam là một trong 10 nước phải chịu tác động nhiều nhất của các sự kiện thời tiết cực đoan gây tổn thất. Kể từ những năm 1970, mỗi năm Việt Nam có tới trên 500 người tử vong do thiên tai và thiệt hại chiếm trên 1,5% GDP. Đến năm 2030, thiệt hại có thể lên tới 3-5% GDP.

Trong giai đoạn 2016-2018, Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ 8 triệu USD cho hơn nửa triệu dân Việt Nam để giải quyết các vấn đề về cuộc sống như: Nước, môi trường, y tế, nơi ở… do thiên tai gây ra.