Cungreview.com– Liệt sĩ trở về sau 30 năm được báo tin hy sinh tại Campuchia, cuộc đoàn tụ của ông Trịnh Thanh Bình cùng vợ con và người thân ở Hà Tĩnh chan đầy nước mắt tủi mừng.
Mấy hôm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, trú thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đông vui hơn thường lệ bởi bà vừa được đoàn tụ với chồng là ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi) sau 30 năm thất lạc. Căn nhà cấp bốn nằm trong hẻm tấp nập người thân, hàng xóm tới thăm hỏi, chia vui.
“Tôi vui không thể nói nên lời. Nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, thực sự mọi người đã hết kiên nhẫn, ngỡ chỉ có thể gặp lại anh trong giấc mơ. Tuổi tôi cũng đã nhiều, không nghĩ sẽ có ngày hội ngộ đong đầy cảm xúc đến vậy”, bà chia sẻ.
Bà Hợp cho biết, năm 1976, ông Bình nhập ngũ vào đơn vị Đoàn 7704MT479 (Quân khu 7), tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1980, tranh thủ đợt về nghỉ phép, ông làm lễ cưới với bà Hợp sau nhiều năm tìm hiểu. Cả hai có 3 người con chung (hai gái, một trai).
Sau ngày cưới, ông Bình về thăm vợ con thêm được 3 lần nữa. Đến ngày 16/7/1988, gia đình nhận được giấy thông báo ông Bình hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích. Bốn năm sau, giấy báo tử được gửi về, ông Bình được lập bàn thờ cúng giỗ hàng năm.
“Ngày trở lại chiến trường, chồng vuốt tóc tôi nói đợi anh, anh sẽ về. Lúc ấy, đứa lớn được 4 tuổi, đứa út chưa ra đời, cuộc sống vô cùng chật vật. Có ngày ba mẹ con không còn hạt gạo nào, phải ăn khoai lót bụng. Khi chính quyền đưa giấy báo tử đến, tôi như chết đứng, nước mắt lưng tròng”, bà Hợp nhớ lại.
30 năm qua bà Hợp được hưởng chế độ tuất liệt sĩ cơ bản. Hễ nghe ở đâu có nhà ngoại cảm giỏi là bà tìm đến hỏi phần mộ chồng mình.
30 năm trôi qua, mọi sự cố gắng tìm kiếm tưởng chừng sẽ thành vô vọng thì gia đình bà bất ngờ nhận được thông tin liệt sĩ Bình vẫn còn sống ở Campuchia từ người đồng đội năm xưa là ông Thái Sơn (ở Ba Vì, Hà Nội).
Theo phóng sự xã hội, Anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai của ông Bình) cho biết, đầu năm 2017 anh Hoàng mới gặp được ông Nguyễn Hữu Thọ, quê ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, (Hà Tĩnh) là đồng đội với ông Bình từng chiến đấu ở Campuchia, nhưng khác đơn vị. Sau khi về nước ông Thọ thường xuyên qua lại đất Campuchia làm ăn, ông có nhiều mối quan hệ quen biết với những đồng đội cũ nên đã thông báo cho mọi người về sự việc như gia đình ông Bình trình bày.
Không ngờ qua ông Thọ, một đồng đội gần gũi của ông Bình là ông Nguyễn Thái Sơn quê ở Ba Vì (Hà Nội), sinh sống ở Campuchia đã có vợ con bên đó (hiện vợ ông đã chết, ông ở với con) đã thông báo cho gia đình ông Bình biết, ông Bình còn sống ở tại Campuchia.
Đến ngày 5-9-2018, sau khi nhận được tin, gia đình bà cùng với một người đồng đội của chồng năm xưa là ông Nguyễn Hữu Thọ (quê ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng đi sang Campuchia để xác minh, tìm gặp.
Sau 2 ngày (từ ngày 7 đến 9-9), lang thang tìm kiếm trên đất bạn thì gặp được ông Bình vẫn còn sống tại một buôn làng vùng dân tộc ở tỉnh Battambang, Campuchia. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi niềm đằng đẵng suốt 26 năm qua cứ thế tuôn trào.
Tuy nhiên, lúc này, ông Bình không nhớ một ai, quá khứ như đã bị xóa sạch trong ký ức. Sau nhiều lần gợi nhớ và cho xem những bức ảnh của gia đình, cố gắng lần mò lại ký ức, ông Bình mới nhận ra anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai của ông Bình), cứ thế hai bố con ôm ghì lấy nhau khóc trong nước mắt tủi mừng.
Qua lời người phiên dịch, dân làng ở đấy cho biết, vào năm 1988, trong lúc chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Bình bị thương nặng, mất trí nhớ, bị lạc, được người dân tộc Chăm cứu và cưu mang từ đó tới nay.
“Bố tôi mất trí nhớ, không nhớ ra tên ai. Tôi cùng người thân ở lại chơi vài ngày rồi xin phép đưa bố trở về và được họ đồng ý”, anh Hoàng nói.
Trở về Việt Nam, anh Hoàng ông Bình vào Sài Gòn khám bệnh. Người thân của ông cố nói chuyện để gợi trí nhớ, thỉnh thoảng ông Bình lại đưa tay ra tạo dáng khẩu súng, dí thẳng vào bụng và nói: “Địch nó bắn pằng pằng vào đây”. Rồi lại chỉ tay lên đầu: “Mảnh đạn đang còn trong này”.
Bác sĩ cho biết sức khỏe ông Bình rất yếu, lách bị cắt, đạn xuyên làm gãy hết răng.
“Do trên đầu bố tôi có một vết thẹo to, và lúc bố tôi nhớ lại thì bảo còn có mảnh vỏ đạn trong đầu nên bác sĩ bảo tạm thời chưa cho chụp chiếu ở não, vì sợ ông sẽ bị liệt”, anh Hoàng nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Hương Khê cho biết, đơn vị đang hướng dẫn gia đình làm đơn trình báo, và gửi báo cáo xuống sở để xin ý kiến chỉ đạo.